Thương hiệu, nhãn hiệu là những thuật ngữ đã trở nên quá quen thuộc với không chỉ giới kinh doanh. Nó thậm chí được Chính phủ coi là trọng tâm của những chương trình quốc gia trong việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp thuần Việt Nam.
Tuy nhiên, thời đại bùng nổ thông tin đã khiến cho đa số chúng ta không thể hiểu được một cách chính xác những khái niệm tưởng chừng quen thuộc đó. Có quá nhiều luồng tư tưởng khác nhau, và chúng ta đa phần không có được một khái niệm riêng cho mình.
Điều đó có gì quan trọng? Nó quan trọng ở chỗ, nếu chúng ta không hiểu đúng thì không thể làm đúng. Liệu các doanh nghiệp có xây dựng được thương hiệu cho mình hay không khi mà họ không có một cách tiếp cận hợp lý về những gì mà mình đang làm?
Buồn thay đó lại là một thực tế đang tồn tại. Các doanh nghiệp bị nhấn chìm trong một mớ thông tin kiến thức, trong khi không có ai có đủ “thương hiệu” để xác thực những điều đó.
Bài viết này không có tham vọng tổng hợp những luồng thông tin đang trở nên lạm phát, hay nói về độ tin cậy của chúng.
Bài viết này chỉ muốn đưa ra một cách nghĩ riêng về thương hiệu và nhãn hiệu để trả lời cho những thắc mắc đang phát sinh hàng ngày, hàng giờ. Ngoài ra, cách nhìn này còn mong muốn làm cho con đường xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp trở nên ngắn hơn.
Vậy thương hiệu là gì? Nhãn hiệu là gì? Có sự khác nhau giữa chúng hay không? Thương hiệu có trước hay nhãn hiệu có trước? Cái gì cần phải bảo hộ, cái gì không?
Những điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là vài trong số những câu hỏi chưa có được một câu trả lời chính xác.
Thực tế, thương hiệu và nhãn hiệu không có cái nào có trước hay có sau. Chúng ra đời cùng một lúc, cùng xuất hiện và tồn tại trong tâm trí của khách hàng và người sử dụng. Chúng là một.
WIPO hay AMA (Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ) cho rằng nhãn hiệu hay thương hiệu (brand) là những dấu hiệu giúp phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác.
---------------CÔNG TY LUẬT BẮC VIỆT-------------------------------